Dính thắng lưỡi ở trẻ em: Những điều bạn cần biết
Dính thắng lưỡi là một trong những dị tật bẩm sinh mà trẻ có thể mắc phải do dây thắng lưỡi bị ngắn và làm hạn chế những cử động bình thường của đầu lưỡi. Nếu bé bị dính thắng lưỡi phát hiện muộn sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng bú nuốt và phát âm, đồng thời tác động lên sự phát triển thể chất và ngôn ngữ của trẻ.
1. Dính thắng lưỡi là gì?
Dính lưỡi (còn gọi là ngắn phanh lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế. Đây là một nguyên nhân mà ít người biết đến, là một dị tật bẩm sinh, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi và ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ.
2. Dấu hiệu trẻ bị dính thắng lưỡi
Để nhận biết sớm trẻ có bị tật dính thắng lưỡi hay không phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra nếu có một số dấu hiệu điển hình sau:
- Trẻ gặp khó khăn khi bú
- Thắng lưỡi của trẻ ngắn bất thường
- Lưỡi của con không thể di chuyển sang hai bên
- Không thể nâng lưỡi lên để có thể chạm vào hàm trên
- Với trẻ nhỏ, khi bé khóc, đầu lưỡi thường có dạng chữ V
- Lưỡi của bé không thể đưa ra khỏi hàm dưới
3. Chẩn đoán và phân loại dính thắng lưỡi
Việc chẩn đoán xác định dính dây thắng lưỡi rất quan trọng trong việc đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ. Có thể chẩn đoán bằng cách đo chiều dài của dây thắng lưỡi từ chỗ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi, nếu nhỏ hơn 16mm thì có nghĩa trẻ đã bị dính thắng lưỡi.
Tật dính dây thắng lưỡi ở trẻ nhỏ có những mức độ sau:
- Độ 1: Bị dính nhẹ với độ dài 12- 16mm
- Độ 2: Bị dính nhẹ với độ dài 8 -11mm
- Độ 3: Bị dính nhẹ với độ dài 3- 7mm
- Độ 4: Bị dính nhẹ với độ dài dưới 3mm
Trẻ bị dính dây thắng lưỡi ở độ 1 và độ 2 cần theo dõi thêm, trường hợp dính dây thắng lưỡi ở độ 3 và độ 4 thì cần phải phẫu thuật dính thắng lưỡi. Tuy nhiên để xác định có cần phải phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ hay không thì cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chẩn đoán đúng tình trạng.
4. Tật dính thắng lưỡi có ảnh hưởng thế nào với trẻ?
Dính thắng lưỡi tuy là một dị tật bẩm sinh không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện trễ sẽ gây ra một số ảnh hưởng sau:
- Ảnh hưởng thể chất: Dị tật dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến chức năng bú nuốt của trẻ. Trẻ lớn hơn thì ăn uống khó khăn do khi nuốt thức ăn lưỡi bị kéo lại, trẻ dần biếng ăn, chậm phát triển cân nặng.
- Ảnh hưởng ngôn ngữ: Khi trẻ bắt đầu tập nói sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm, trẻ không chỉ khó nói và còn nói ngọng, chậm nói.
- Ảnh hưởng thẩm mỹ: Hàm răng bị ảnh hưởng vì tật dính thắng lưỡi có thể đẩy răng cửa hàm dưới nghiêng, xô lệch.
5. Cắt thắng lưỡi có nguy hiểm hay không?
Việc cắt thắng lưỡi liệu có nguy hiểm gì không là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ khi có con bị dính thắng lưỡi. Không chỉ vậy việc chăm sóc trẻ sau khi cắt thắng lưỡi cho trẻ cũng là một trong những thắc mắc thường gặp.
Việc cắt thắng lưỡi cho trẻ khá đơn giản và không gây nguy hiểm, đặc biệt với thời điểm công nghệ y tế phát triển như hiện nay. Nhưng quan trọng nhất là cha mẹ phải lựa chọn cơ sở y tế uy tín thực hiện để đảm bảo an toàn cho con cao nhất. Nếu như sau khi thăm khám, trường hợp của trẻ tương đối nặng ở độ 3, độ 4 thì nên được thực hiện trước 3 tháng tuổi. Nếu như trẻ gặp phải nhiều lý do chưa thể phẫu thuật ngay thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp thay thế cho trẻ khi đang bú mẹ.
Có 2 phương pháp cắt thắng lưỡi đang được áp dụng hiện nay: Cắt thắng lưỡi gây tê và áp mê (tuỳ theo sự phối hợp của các bé,và mức độ phức tạp của dính thắng lưỡi). Ca tiểu phẫu thường diễn ra trong khoảng vài phút và bé được về ngay trong ngày.
6. Một số lưu ý sau khi phẫu thuật dính thắng lưỡi
- Sau phẫu thuật trẻ có thể uống sữa hoặc ăn thức ăn lỏng, mềm và nguội.
- Cho trẻ uống nhiều nước để làm sạch miệng
- Trẻ lớn: Hướng dẫn trẻ vận động lưỡi ngay sau mổ, uốn lưỡi lên trên, thò lưỡi ra ngoài.
- Trẻ nhỏ: Vệ sinh dưới lưỡi, nâng lưỡi lên trên
Sau khi vết thương lành nên hướng dẫn trẻ thực hiện vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt.
Bài viết được thực hiện bởi phòng khám đa khoa Anh Dũng Tiền Hải, Thái Bình