Áp xe quanh Amidan: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Áp xe quanh Amidan: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Áp xe quanh Amidan là biến chứng phổ biến của viêm Amidan cấp tính. Bệnh nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Chủ động tìm hiểu và nhận biết các dấu hiệu bệnh lý này thông qua bài viết sau đây.
1. Áp xe quanh Amidan là gì?
Áp xe quanh amidan là hiện tượng viêm tấy, hóa mủ tổ chức liên kết lỏng lẻo nằm quanh amidan - giữa amidan và thành bên họng. Người bệnh được phát hiện bị áp xe quanh amidan thường là trẻ lớn và người lớn.
2. Nguyên nhân gây áp xe quanh amidan
Áp xe quanh Amidan thường xuất hiện cùng với vi khuẩn gây viêm họng và viêm Amidan. Nếu nhiễm trùng không được điều trị và lan rộng có thể dẫn đến áp xe.
Vi khuẩn phổ biến nhất có thể dẫn đến áp xe là liên cầu khuẩn. Vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng các mô mềm xung quanh Amidan (thường là một bên). Các mô này sẽ bị vi khuẩn kỵ khí tấn công, xâm nhập vào các tuyến và tạo thành ổ áp xe.
Ngoài ra, một số loại nhiễm trùng khác cũng làm tăng nguy cơ áp xe quanh Amidan bao gồm:
– Nhiễm trùng răng
– Viêm nướu
– Viêm nha chu
– Sỏi amidan
– Viêm Amidan mãn tính
– Bệnh bạch cầu đơn nhân
– Bệnh bạch cầu Lymphocytic mãn tính
Bên cạnh đó hút thuốc lá và hít thở không khí ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ bị áp xe quanh amidan.
3. Triệu chứng áp xe quanh amidan
Viêm amidan cấp không được điều trị kịp thời kéo dài từ 5 – 7 ngày dễ chuyển sang áp xe quanh amidan. Khi bị áp xe quanh amidan, ngoài những biểu hiện amidan bị viêm thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy những triệu chứng như:
– Sốt vừa hoặc cao (38-39 độ C), mạch nhanh, nước tiểu ít, sẫm màu thường gặp kèm theo đó là đau, rát họng.
– Đau họng còn lan lên tai, góc hàm nhất là khi ăn uống, nuốt nước bọt và nước dãi chảy nhiều.
– Đau họng dữ dội bên phía áp xe quanh amidan, đau nhói lên tai, khi nuốt đau nhiều hơn nên bệnh nhân không dám nuốt và có thể thấy đau nhức vùng góc hàm.
– Há miệng khó khăn, hơi thở hôi.
– Nếu không được phát hiện sớm, khối áp xe sẽ lan ra vùng cơ cắn gây hiện tượng khít hàm, kèm theo là khó thở do khối áp xe lấp kín họng miệng
Biến chứng của áp xe quanh amidan
Áp xe quanh amidan có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như:
– Nhiễm trùng phổi.
– Tắc nghẽn đường thở.
– Nhiễm trùng lan đến cổ họng, miệng, cổ và ngực.
– Vỡ áp xe.
Nếu không được điều trị kịp thời, áp xe quanh amidan có thể gây nhiễm trùng khắp cơ thể, thậm chí là chặn đường thở.
4. Xử trí áp xe quanh amidan
Tùy vào tình trạng áp xe amidan của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị áp xe amidan khác nhau:
– Viêm tấy quanh amidan: Sử dụng kháng sinh phù hợp, thuốc chống viêm, hạ sốt nếu có triệu chứng sốt, thuốc giảm đau;
– Áp xe amidan có mủ: Phương pháp điều trị áp xe amidan lúc này sẽ là trích rạch khối áp xe để dẫn lưu mủ ra ngoài, giữ vết rạch luôn mở trong khoảng 3 ngày. Thêm phương pháp điều trị nội khoa bằng các loại kháng sinh tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, chống vi khuẩn kỵ khí, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt.
Trong trường hợp áp xe amidan tái phát gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành xem xét và có thể đưa ra chỉ định cắt amidan để tránh tình trạng bệnh kéo dài, gây biến chứng nguy hiểm.
5. Phòng ngừa áp xe quanh amidan
Áp xe quanh amidan bản chất là hệ quả của các bệnh lý viêm amidan, một trong những bện lý tai mũi họng phổ biến ở mọi đối tượng. Chính vì thể để phòng ngừa áp xe quanh amidan, việc đầu tiên là phòng tránh các bệnh lý về tai mũi họng, đặc biệt là viêm amidan.
Giữ vùng tai mũi họng luôn khỏe mạnh cần thực hiện những chú ý sau đây:
– Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.
– Hạn chế các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc lá, giữ vệ sinh răng miệng tốt, ...
– Khi bị viêm họng, viêm amidan phải điều trị sớm và triệt để để tránh các biến chứng.
– Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc, cách dùng cũng như thời gian uống mà bác sĩ đã kê đơn.
– Giữ họng thường xuyên sạch bằng cách súc miệng, họng hàng ngày bằng những thuốc có tính kiềm nhẹ, ăn uống hợp vệ sinh, chú ý giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
Bài viết được thực hiện bởi phòng khám đa khoa Anh Dũng Tiền Hải, Thái Bình

Nhận nhiều ưu đãi

Đăng ký ngay với Phòng khám đa khoa Anh Dũng để nhận nhiều thông tin ưu đãi nhất cho bạn và người thân của bạn

Tư vấn miễn phí

Bằng cách gửi thông tin đi, tôi xác nhận đã đọc và đồng ý với các Quy định Chính sách quyền riêng tư.

Copyright 2024 © Bảo lưu mọi quyền hạn. Phòng Khám Đa Khoa Anh Dũng