Bệnh võng mạc tiểu đường & những điều cần biết


Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường. Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, khi nắm những thông tin cơ bản về dấu hiện bệnh sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả, từ đó giúp bạn có thể bảo vệ thị lực tốt hơn.
THẾ NÀO LÀ BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG?
Bệnh võng mạc tiểu đường là hệ quả của các mạch máu rất nhỏ trong võng mạc (lớp trong cùng của mắt, nơi nhận ánh sáng và chuyển thành thông tin đưa lên não) bị tổn thương do bệnh đái tháo đường gây ra.
Hiện nay, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Trong khi, nhiều người còn ít quan tâm về bệnh tiểu đường và những biến chứng bệnh gây ra, trong đó có biến chứng về mắt.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
Khi người mắc tiểu đường không kiểm soát lượng đường máu tốt sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Người bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 đều có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh võng mạc tiểu đường thường tăng theo thời gian bị tiểu đường và mức độ kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh võng mạc tiểu đường dễ xuất hiện nếu người bị tiểu đường kết hợp với: thai nghén, cao huyết áp, bệnh lý thận, thiếu máu, tăng lipid máu, béo phì, hút thuốc lá.
CÁC GIAI ĐOẠN VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH
Bệnh võng mạc tiểu đường chia hai giai đoạn: giai đoạn không tăng sinh & giai đoạn tăng sinh.
Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh:
Ở giai đoạn này, sẽ có những thay đổi vi mạch xảy ra gồm vi phình mạch, xuất huyết võng mạc, xuất tiết lipid và xuất tiết bông, chuỗi hạt tĩnh mạch. Ở giai đoạn bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh, người bệnh thường không có triệu chứng, cũng không gây đau, chỉ phát hiện thông qua khám và kiểm tra mắt. Thị lực bệnh nhân bị ảnh hưởng khi bệnh tiến triển, thị lực giảm nhiều nếu có phù hoàng điểm. Những triệu chứng điển hình khi bệnh tiến triển có thể như:
• Nhìn mờ
• Nhìn thấy những những chấm đen hay ruồi bay
• Nhìn thấy hai hình ảnh của một vật
• Đau mắt
• Triệu chứng của phù hoàng điểm: gặp vấn đề khi đọc, nhận biết hình ảnh trung tâm của thị lực, nhìn thấy những điểm tối ở ngay giữa mắt.
Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh:
Ở giai đoạn này, đặc trưng bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh sẽ xuất hiện các tân mạch ở võng mạc, đĩa thị, xơ mạch võng mạc- dịch kính, có thể có tân mạch mống mắt. Bệnh võng mạc tăng sinh có thể phát triển mà không gây ra triệu chứng. Vì vậy, điều quan trọng cần đi khám kiểm tra sàng lọc võng mạc thường xuyên. Các triệu chứng có thể xảy ra do xuất huyết hoặc bong võng mạc, bao gồm:
• Xuất hiện đột ngột những hình nổi (dạng chấm, dạng vết hay dạng dải) trong tầm nhìn
• Nhìn hình bị méo
• Mất thị lực
Lúc đầu, bệnh võng mạc tiểu đường thường không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề tầm nhìn nhẹ. Nếu người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị sớm những tổn thương của bệnh đáy mắt sẽ nặng như: phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc…có thể dẫn đến mù lòa.
Khoa Mắt – của PKĐK Anh Dũng sẽ thăm khám, chẩn đoán, đưa ra các tư vấn và phương pháp điều trị các vấn đề về mắt của bạn.
Bài viết được thực hiện bởi Phòng khám đa khoa Anh Dũng - Tiền Hải

Copyright 2024 © Bảo lưu mọi quyền hạn. Phòng Khám Đa Khoa Anh Dũng