Hiện tượng chảy nước mắt liên tục mà dân gian gọi là chảy nước mắt sống thường gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân phổ biến nhất là do tắc lệ đạo.
1.Tắc lệ đạo là gì?
Tắc lệ đạo là tình trạng khiến mắt chảy nhiều nước mắt hơn bình thường. Lệ đạo là đường dẫn nước mắt bao gồm các ống nhỏ chạy từ góc trong mí mắt vào bên trong mũi. Khi bị tắc, nước mắt không thể thoát ra bình thường, gây ra các triệu chứng.
2. Nguyên nhân lệ đạo bị tắc
Tắc lệ đạo là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ sinh non). Trẻ sơ sinh bị tắc ống dẫn nước mắt thường là do bẩm sinh. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có thể bị tắc lệ đạo và nguyên nhân thường là do nhiễm trùng hoặc chấn thương.
Tắc lệ đạo có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
- Tắc lệ đạo bẩm sinh: Không có điểm lệ, rò túi lệ, viêm đường lệ sơ sinh,
- Các bệnh viêm nhiễm lâu ngày: Viêm mũi, viêm xoang mạn, đau mắt hột, viêm kết mạc.
- Khối u, sẹo tại mắt gây co kéo chèn ép đường dẫn lệ.
- Bỏng, chấn thương (chấn thương mắt mũi, phẫu thuật xoang hàm) gây tắc, đứt lệ quản, co kéo điểm lệ bị lệch đi.
- Thay đổi do tuổi tác: hẹp điểm lệ ở người lớn tuổi.
- Bất thường phát triển sọ và mắt: Hội chứng Down hoặc các rối loạn khác có thể tăng nguy cơ bị tắc lệ đạo.
.jpg)
3. Cách nhận biết khi tắc lệ đạo?
Tắc lệ đạo có thể sẽ gây ứ đọng vi trùng trong ống lệ mũi và viêm túi lệ. Các triệu chứng của tắc lệ đạo kèm nhiễm trùng ở mắt bao gồm:
- Bệnh nhân chảy nước mắt liên tục trong nhiều ngày
- Mắt có dấu hiệu nhiễm trùng nhiều lần hoặc liên tục
- Đóng vảy ở lông mi
- Góc mắt trong hoặc khu vực giữa mắt và mũi đỏ, sưng nề
- Xuất tiết nhầy (chảy mủ) ở khóe mắt
- Nhìn mờ, ảnh hưởng thị lực.
- Sốt
4. Điều trị tắc lệ đạo như thế nào?
Việc điều trị tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, nguyên nhân tắc nghẽn và có nhiễm trùng hay không. Bác sỹ sẽ điều trị nhiễm trùng lệ đạo bằng kháng sinh dùng tại chỗ hoặc toàn thân.
Phần lớn trẻ nhỏ không cần điều trị trừ khi có nhiễm trùng lệ đạo. Đó là bởi vì hầu hết sự tắc nghẽn lệ đạo sẽ tự hết khi trẻ lớn dần theo thời gian (thường trên 6 tháng tuổi). Để giúp giải phóng tắc nghẽn lệ đạo ở trẻ nhỏ, người thân nên mát xa điểm lệ cho trẻ . Nên gặp trực tiếp bác sĩ để được hướng dẫn cách mát xa đúng, mang lại hiệu quả tốt cho trẻ.
Nếu đã mát xa tích cực mà lệ đạo vẫn tắc nghẽn thì trẻ cần được tái khám để bơm thông lệ đạo (tức là luồn 1 dụng cụ nhỏ vào lệ đạo bơm và tạo áp lực để giải phóng tắc nghẽn).
Nếu sự tắc nghẽn vẫn còn hoặc quay trở lại thì sẽ được cân nhắc đặt ống silicon hoặc phẫu thuật tạo một đường thoát mới cho nước mắt.
Khám,chẩn đoán, điều trị tắc lệ đạo ở người lớn và trẻ em đang được thực hiện thường quy tại Phòng khám Đa khoa Anh Dũng. Với trang thiết bị hiện đại, với tâm huyết và lòng yêu nghề, đội ngũ bác sĩ Phòng khám Đa khoa Anh Dũng luôn mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất với chất lượng phục vụ cao nhất.
Bài viết được thực hiện bởi Phòng khám đa khoa Anh Dũng Tiền Hải, Thái Bình