Trẻ em bị cúm A nên đi khám sớm để điều trị đúng cách


Cúm A là một bệnh khá nguy hiểm nhưng có thể chữa trị rất dễ dàng nếu được phát hiện và tiếp nhận điều trị sớm, đúng cách. Không chỉ đúng với người lớn, người khỏe mạnh, điều này càng quan trọng đối với trẻ em bị cúm A. Với sức đề kháng non nớt và chưa phát triển đầy đủ, trẻ em là đối tượng rất dễ gặp biến chứng trở nặng khi mắc cúm A.
1. Cúm A và trẻ nhỏ
1.1 Trẻ em bị cúm A do đâu?
Bệnh cúm A do virus cúm A – 1 trong các loại virus thường gây nên các dịch cúm mùa ở nước ta – xâm nhập và gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Dịch cúm A thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa đông-xuân và xảy ra hàng năm với chủng virus cúm cũng biến đổi mỗi năm. Ngoài ra ở một số điều kiện thích hợp, cúm A cũng có thể xuất hiện trái mùa khiến việc phòng bệnh khó khăn hơn.
Trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm virus cúm A và có khả năng chuyển biến nặng rất nhanh
Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm A hàng đầu do sức đề kháng và thể trạng còn non nớt. Đáng lưu ý là trẻ em bị cúm A thường lâu khỏi và bệnh trở nặng nhanh hơn so với người lớn. Vậy nên cha mẹ cần đặc biệt theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ, nhất là tại thời điểm dịch bùng phát vì trẻ rất dễ bị nhiễm virus qua nhiều con đường:
– Lây trực tiếp từ người bệnh: Trẻ có tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm thông qua giao tiếp như nói chuyện, bắt tay, ôm hôn; hoặc qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi.
– Lây qua vật trung gian: Giọt bắn khi người bệnh cúm A ho, hắt hơi sẽ làm phát tán virus lên bề mặt các đồ vật xung quanh. Trẻ chạm tay vào đồ vật rồi đưa lên mắt, mũi, miệng cũng sẽ bị virus xâm nhập.
– Lây qua môi trường: Môi trường công cộng, đông người và tiếp xúc gần như nhà trẻ, trường học cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy khi xuất hiện những ca nhiễm cúm A.
1.2 Một số biểu hiện khi trẻ em bị cúm A
Triệu chứng của bệnh cúm A không có đặc trưng cụ thể nào, nhất là ở trẻ nhỏ vì các bé còn nhỏ và hay bị ốm nên rất dễ nhầm tưởng với bệnh cảm lạnh thông thường. Vậy nên cha mẹ nên lưu ý rằng các triệu chứng của cúm A thường nghiêm trọng hơn và đi kèm với sốt cao kéo dài. Sau khoảng 2-3 ngày ủ bệnh, trẻ em bị cúm A sẽ có các triệu chứng sau:
– Sốt cao >38 độ C
– Nghẹt mũi, sổ mũi có dịch trong hoặc đục
– Đau họng, ho nhiều, nuốt vướng
– Nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, không muốn hoạt động
– Trẻ khó chịu, có hiện tượng háo nước, hay quấy khóc, khó ngủ
– Trẻ biếng ăn, nôn trớ nhiều lần trong ngày, có thể kèm tiêu chảy
Đối với những trường hợp bệnh không chuyển biến nặng, phần lớn các triệu chứng của bệnh cúm A ở trẻ như sốt sẽ thuyên giảm và biến mất hoàn toàn sau 5 – 7 ngày, tuy nhiên, trẻ vẫn còn ho và mệt mỏi kéo dài ngay cả khi cơ thể không còn virus cúm.
2. Biến chứng khi trẻ em bị cúm A nặng
Như đã nhắc đến, trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, là đối tượng thường xuyên mắc cúm cũng như bệnh dễ chuyển biến nặng và có biến chứng nguy hiểm do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Đặc biệt những trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính, hen suyễn, có bệnh lý về tim mạch, máu, nội tiết, thận, gan,… có bất thường về phát triển tâm thần kinh, hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, trẻ béo phì,… sẽ có nguy cơ gặp biến chứng bệnh cao hơn các trẻ khác.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A kéo dài:
– Viêm tai giữa
– Viêm phổi, viêm phế quản
– Suy hô hấp
– Viêm màng não
– Viêm cơ tim
Cúm A mặc dù có biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ nhưng nếu cha mẹ đưa trẻ đi khám sớm và điều trị ngay từ giai đoạn khởi phát của bệnh thì những rủi ro này sẽ giảm đi rất nhiều.
3. Phòng tránh cúm A cho trẻ
Để bảo vệ sức khỏe cho con, cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp để phòng tránh lây nhiễm cúm A, hạn chế nhất có thể khả năng nhiễm bệnh ở trẻ:
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chơi đùa, tắm rửa sạch sẽ.
– Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ. Thường xuyên rửa sạch, khử trùng đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ.
– Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người và tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh nhất là thời điểm dịch bệnh đang lan rộng.
– Xây dựng chế độ ăn nhiều dinh dưỡng để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt và tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên của trẻ.
– Tiêm vacxin cúm định kì hàng năm cho trẻ là biện pháp phòng ngừa cúm A tốt nhất.
4. Khi nào trẻ em bị cúm A nên nhập viện điều trị?
Trong trường hợp khi thăm khám bác sĩ xác định trẻ bị cúm A thể nhẹ thì bé có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và phác đồ được chỉ định.
Với những trường hợp nặng hoặc những trẻ có thể trạng đặc biệt, cha mẹ cần theo dõi sát sao các biểu hiện bệnh của con và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy bất thường để được xử trí điều trị kịp thời.
Khi có dấu hiệu của cúm A, cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm để tránh biến chứng nguy hiểm
Khi các biểu hiện dưới đây xuất hiện ở trẻ bị cúm A, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con vào viện vì nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của con:
– Thở nhanh hoặc khó thở
– Da tím tái, chân tay lạnh
– Đau tức ngực hoặc bụng
– Sốt cao trên 39 độ và co giật
– Nôn quá nhiều hoặc không thể uống nước
– Trẻ mệt mỏi, nằm li bì khó đánh thức
– Có dấu hiệu mất nước, rối loạn điện giải, chóng mặt khi đứng hoặc tiểu ít
Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn có kinh nghiệm dày dặn, hệ thống trang thiết bị hiện đại và phòng bệnh sạch sẽ, đầy đủ tiện ích, PKĐK Anh Dũng là một trong những địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng khi đưa con đến khám và điều trị cúm A. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về cúm A và tình trạng bệnh lý của trẻ, hãy liên hệ PKĐK Anh Dũng để được giải đáp cụ thể.
Bài viết được thực hiện bởi Phòng khám đa khoa Anh Dũng - Tiền Hải


Copyright 2024 © Bảo lưu mọi quyền hạn. Phòng Khám Đa Khoa Anh Dũng