1. Viêm thanh quản cấp là gì?
Viêm thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm, phù nề đôi khi có loét và lan xuống các lớp sâu hơn làm viêm cơ, hoại tử sụn, kéo theo sưng dây thanh âm gây ra biến dạng âm thanh khi không khí đi qua kết quả giọng khàn, có thể bị mất giọng. Viêm thanh quản kéo dài dưới 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản cấp tính.
2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp
Nguyên nhân của viêm thanh quản cấp tính bao gồm:
- Nhiễm virus, vi khuẩn
- Sau viêm đường hô hấp: viêm mũi xoang, viêm Amidan, viêm VA ở trẻ em
- Sử dụng giọng gắng sức: nói nhiều, la hét, hát to
- Uống quá nhiều rượu bia
Yếu tố nguy cơ
Nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, viêm xoang và viêm phế quản.
Tiếp xúc với chất kích thích như khói thuốc lá, acid dạ dày, hoặc hơi hóa chất .
3. Triệu chứng bệnh viêm thanh quản cấp
Viêm thanh quản thường đến đột ngột và diễn biến nặng trong 5-7 ngày đầu. Các dấu hiệu thông thường là:
- Khàn tiếng
- Giọng nói yếu hoặc mất giọng
- Cảm giác ngứa, vướng trong cổ họng
- Đau họng
- Cổ họng khô
- Ho khan, ho ông ổng
4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm thanh quản
Người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị viêm thanh quản. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, yếu tố nguy cơ sẽ khác nhau. Cụ thể:
Với người lớn:
- Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất gây dị ứng
- Người bị trào ngược axit dạ dày
- Người bị viêm mũi xoang nhiều đợt
- Người thường xuyên hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc
- Người sử dụng giọng nói quá nhiều như giáo viên, ca sĩ, MC, kinh doanh, buôn bán…
- Người bị nhiễm nấm do thường sử dụng ống hít hen suyễn
Với trẻ nhỏ:
- Trẻ thường xuyên viêm mũi họng, sau đó viêm thanh quản
- Trẻ hay la hét hoặc hát quá nhiều gây phù nề dây thanh
5. Điều trị viêm thanh quản
Viêm thanh quản cấp tính thường tự khỏi trong vòng một đến hai tuần. Các biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như nghỉ ngơi, hạn chế nói nhiều, nói to, uống nước ấm và làm ẩm không khí của bạn, cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra có thể dùng thêm một số thuốc để điều trị như: corticoid, thuốc ho thảo dược, hay kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
Phương pháp điều trị viêm thanh quản mạn tính nhằm điều trị các nguyên nhân cơ bản, chẳng hạn như trào ngược, hút thuốc hoặc sử dụng quá nhiều rượu.
Điều trị dùng thuốc
- Corticoid: chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, có thể là Dexamethason, prednison,...
- Adrenalin: dùng để phun khí dung khi trẻ có khó thở do co thắt thanh quản
- Kháng sinh: khi có nhiễm khuẩn
Phòng ngừa viêm thanh quản
Để ngăn ngừa tình trạng viêm thanh quản, cần tuân theo những quy tắc phòng bệnh sau:
- Không hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Hút thuốc lá làm khô họng và kích thích dây thanh âm.
- Hạn chế rượu và caffeine. Đây là hai tác nhân làm mất nước của cơ thể.
- Uống nhiều nước giúp duy trì lớp chất nhầy trong họng.
- Tránh ăn thức ăn cay vì loại thức ăn này dễ gây kích thích dạ dày gây trào ngược dạ dày thực quản.
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau quả và trái cây. Những thức ăn này chứa nhiều vitamin A, E,C giúp duy trì lớp chất nhầy lót họng.
- Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như cúm.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự thâm nhập của vi rút, vi khuẩn. Giữ ấm cho trẻ em về mùa lạnh, tránh lạm dụng giọng quá sức ở người lớn.
Bài viết được thực hiện bởi phòng khám đa khoa Anh Dũng Tiền Hải, Thái Bình