Viêm sụn vành tai: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị


Viêm sụn vành tai là bệnh thường gặp trong bệnh lý tai ngoài. Nếu không được chữa trị kịp thời, hiệu quả có thể dẫn đến viêm hoại tử sụn và biến dạng vành tai, làm mất thẩm mỹ và điều trị phục hồi rất khó và tốn kém.
1. Viêm sụn vành tai là gì?
Viêm sụn vành tai là một tình trạng viêm lan tỏa nhưng không nhất thiết là nhiễm trùng, quá trình dẫn đến sưng tấy, đỏ và đau vành tai, hoặc áp xe giữa sụn và màng sụn.
2. Nguyên nhân gây viêm sụn vành tai bao gồm:
- Chấn thương
- Côn trùng đốt
- Bấm lỗ tai xuyên sụn
- Các tình trạng viêm hệ thống (ví dụ viêm mạch như bệnh u hạt với viêm đa vi mạch u hạt Wegener, viêm đa sụn tái phát)
- Rạch dẫn lưu ổ áp xe sụn vành tai
3. Dấu hiệu viêm sụn vành tai
Biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào khoảng thời gian kể từ khi bệnh nhân tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng giai đoạn, người bệnh viêm sụn vành tai sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
- Ban đầu có dấu hiệu ngứa rát, hơi đau ở vị trí tổn thương. Sau đó bị nóng, sưng, đỏ vành tai.
- Khi bị viêm tấy thành mủ, bệnh nhân bị đau sụn tai rõ hơn, sưng nhiều hơn, vành tai bị sưng nhiều, làm mất các nếp bình thường.
- Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm sụn hoại tử với các triệu chứng đau dữ dội, sưng tấy và căng mọng vành tai, mất các nếp vành tai.
- Trường hợp không xử trí tốt, sụn vành tai bị hoại tử, dẫn tới sưng tấy hóa mủ và vỡ mủ, làm vành tai bị co rúm, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
- Triệu chứng khác: Sốt, mệt mỏi,...
4. Viêm sụn vành tai có nguy hiểm không?
Viêm sụn vành tai không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị sớm và đúng cách, nó có thể gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Điển hình như:
- Viêm dẫn đến hoại tử tai.
- Làm tai bị biến dạng, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
- Tai súp lơ: Là biến chứng thường gặp nhất, khiến người bệnh mất tự tin về vẻ ngoài, khó đeo khuyên tai, tai nghe, khó lấy ráy tai.
- Nguy cơ viêm tai giữa, suy giảm hoặc mất thính lực.
- Nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng: Hiếm gặp nhưng khi vi khuẩn từ màng sụn tai vào máu và gây nhiễm trùng sẽ làm cho viêm sụn tai khó điều trị thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
5. Điều trị Viêm sụn vành tai
Điều trị bằng thuốc
Bệnh nhân viêm sụn vành tai thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh nhóm Ciprofloxacin, Fluoroquinolone,... thường theo Kháng sinh đồ
- Thuốc chống viêm, chống phù nề steroid.
- Thuốc giảm đau.
- Trường hợp nặng: Bệnh nhân bị đau nhiều, vành tai sưng, đỏ nặng, cần nhập viện truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch, tiêm tĩnh mạch steroid và chăm sóc tại chỗ.
Phẫu thuật
- Với bệnh nhân giai đoạn đầu, có triệu chứng sưng đau nhưng chưa xuất tiết thì người bệnh chỉ cần uống thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc chống viêm.
- Với bệnh nhân đã bị xuất tiết túi dịch ở vành tai, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút dịch và băng ép. Bệnh nhân cũng được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm. Nếu túi dịch vành tai xuất tiết bội nhiễm thành áp xe, sụn vành tai bị viêm nặng và hoại tử thì người bệnh sẽ được điều trị ngay bằng cách chích rạch rộng ổ áp xe. Phương pháp này giúp dẫn lưu sạch túi mủ và nạo hết tổ chức sụn viêm vành tai. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng sinh và chống viêm.
6. Phòng ngừa viêm sụn vành tai
- Vệ sinh vành tai: Dùng khăn ẩm lau nhẹ nhàng vành tai tránh để nước chảy vào trong ống tai, sau đó lau khô bằng khăn sạch, lau nhẹ nhàng tránh gây xây xước vành tai.
- Không đưa tay bẩn sờ vào tai hoặc gãi tai làm nhiễm khuẩn vành tai.
- Giữ tai ấm khi trời lạnh.
- Bảo vệ tai phòng ngừa bị côn trùng cắn đốt.
- Đặc biệt, không xâu khuyên tai hoặc bấm nhiều lỗ khuyên tai hoặc tiêm các chất vào vành tai, dái tai dễ gây nhiễm khuẩn gây viêm sụn vành tai làm vành tai bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nguy hiểm tính mạng nếu biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết…
Bài viết được thực hiện bởi phòng khám đa khoa Anh Dũng Tiền Hải, Thái Bình

Copyright 2024 © Bảo lưu mọi quyền hạn. Phòng Khám Đa Khoa Anh Dũng