Polyp mũi: Các dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

1. Polyp mũi là gì?
Polyp mũi là một u có cuống mềm, không đau, không phải là ung thư phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang. Polyp mũi là tình trạng xảy ra ở lớp niêm mạc mũi và các xoang, là 4 khoang trống trên và sau mũi. Tuy nhiên polyp mũi thường không được xem là bệnh lý. Chính xác hơn, đây là hậu quả của phản ứng viêm gây ra do viêm nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi chống lại các vi nấm.
2. Biểu hiện của polyp mũi
Polyp mũi nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, polyp mũi lớn hơn có thể gây khó thở, không ngửi được mùi, và gây nhiễm trùng thường xuyên.
Triệu chứng thường gặp:
- Chảy nước mũi ở một bên
- Nghẹt mũi kéo dài
- Nhỏ giọt mũi sau
- Giảm hoặc không có cảm giác về mùi
- Mất vị giác
- Đau mặt hoặc đau đầu
- Đau răng hàm trên
- Cảm thấy có áp lực đè trên trán và mặt
- Ngáy
- Ngứa xung quanh khu vực mắt
Một số hình ảnh polype mũi ở người bị viêm xoang dị ứng
3. Polyp mũi có thể gây ra những biến chứng gì nếu không điều trị?
Polyp mũi lớn hay nhiều polyp mũi có thể ngăn cản dòng không khí và dẫn lưu dịch trong mũi xoang, dẫn đến các hậu quả sau:
- Chứng ngưng thở khi ngủ.
- Làm bùng phát cơn hen suyễn: Viêm xoang mạn tính kèm polyp mũi có thể khiến bệnh hen nặng hơn và làm cơn hen cấp xuất hiện nhiều hơn.
- Nhiễm trùng xoang: Polyp mũi có thể khiến bạn dễ bị mắc viêm xoang tái phát nhiều lần.
4. Phương pháp điều trị polyp mũi?
Mục tiêu điều trị đầu tiên cho polyp mũi là giảm kích thước hoặc loại bỏ chúng. Để đạt được mục tiêu này, dùng thuốc là biện pháp đầu tiên. Thuốc điều trị có thể bao gồm:
- Corticosteroid dạng hít mũi: giảm viêm, bao gồm, flunisolide, mometasone (Nasonex), triamcinolone (Nasacort AQ), beclomethasone (Qnasl, Beconase AQ) và ciclesonide (Omnaris, Zetonna);
- Corticosteroid đường uống và tiêm. Trong trường hợp corticosteroid mũi tại chỗ không hiệu quả hoặc polyp mũi trở nên nghiêm trọng hơn;
- Các thuốc khác: điều trị các nguyên nhân góp phần vào tình trạng viêm mạn tính trong xoang hoặc đường mũi, bao gồm thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng, thuốc kháng sinh để điều trị một hoặc định kỳ nhiễm trùng mạn tính hoặc tái phát.
Khi nào cần phẫu thuật polyp mũi?
Nhiều trường hợp bác sĩ cần phải phẫu thuật cắt polyp mũi. Chỉ định phẫu thuật polyp mũi khi kích thước polyp quá lớn và khi thuốc men không tỏ ra hiệu quả. Đối với bệnh nhân bị xơ nang phổi có polyp mũi đề kháng với corticoides (một loại thuốc kháng viêm), phẫu thuật polyp mũi là lựa chọn duy nhất. Cách phẫu thuật còn tùy vào số lượng và vị trí của polyp. Các lựa chọn cho phẫu thuật cắt polyp bao gồm:
- Cắt polyp
Đối với các polyp nhỏ và đơn độc, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ dễ dàng bằng một dụng cụ cơ học nhỏ để hút hoặc một máy vi cắt lọc (microdebrider). Kỹ thuật này gọi là cắt polyp mũi, được thực hiện ngoại trú. Sau khi tiến hành cắt polyp mũi, phải điều trị tình trạng viêm kèm theo, thường bác sĩ sẽ cho dùng thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid và đôi khi phải dùng đến thuốc kháng sinh và cả thuốc corticosteroid đường uống để hỗ trợ điều trị.
- Nội soi xoang
Nội soi xoang (Endoscopic sinus surgery) là một kỹ thuật rộng hơn, không chỉ cắt polyp mà còn giúp mở cả phần xoang, nơi các polyp mũi hình thành. Nếu xoang bị nghẹt và viêm thì cần mở rộng thêm cả hốc xoang. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn ống cứng, mỏng, có gắn camera, được gọi là ống nội soi. Do phẫu thuật nội soi polyp mũi chỉ thực hiện rạch những đường rất nhỏ nên vết mổ sẽ nhanh chóng lành lại và ít gây đau đớn khó chịu hơn so với các kiểu phẫu thuật khác. Mặc dù vậy, việc phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật polyp mũi cũng phải mất đến vài tuần.Polyp mũi ngay cả khi đã được điều trị phẫu thuật triệt để vẫn có nguy cơ tái phát, đòi hỏi phải tiến hành phẫu thuật lại.
Phương pháp phòng ngừa
Chỉ cần áp dụng một số quy tắc nhỏ dưới đây sẽ có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc polyp mũi, ngăn ngừa bệnh tái phát và đồng thời hỗ trợ kiểm soát tốt các triệu chứng nếu không may mắc bệnh:
- Tránh xa các tác nhân kích thích như ô nhiễm, khói bụi, phấn hoa… vì các chất kích thích này khiến cho tình trạng viêm nặng hơn
- Kiểm soát các bệnh hen phế quản và dị ứng.
- Giữ vệ sinh mũi bằng cách thường xuyên rửa tay, chống lây nhiễm vi khuẩn, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý,…
- Giữ độ ẩm cho môi trường xung quanh, đặc biệt là trong nhà để cải thiện tình trạng hô hấp ở các xoang, tránh tắc nghẽn và viêm
- Khi tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai – mũi – họng khám và điều trị
Bài viết được thực hiện bởi phòng khám đa khoa Anh Dũng Tiền Hải, Thái Bình

Copyright 2024 © Bảo lưu mọi quyền hạn. Phòng Khám Đa Khoa Anh Dũng