Hạt xơ dây thanh: Triệu chứng và cách điều trị

Hạt xơ dây thanh là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp, đặc biệt ở những người phải nói nhiều, nói to (như giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên...). Nếu gặp phải bệnh lý này, người bệnh thường bị khản tiếng, phát âm khó khăn hoặc đôi khi còn cảm giác hụt hơi hay tức ngực khi giao tiếp.
1. Hạt xơ dây thanh quản là gì?
Hạt xơ dây thanh quản (u xơ thanh quản) là sự xuất hiện của các hạt xơ nhỏ ở cả 2 bên dây thanh, các hạt xơ này là có chân rộng, xu hướng mọc đối xứng với nhau, kích thước gần bằng nhau và mọc ra ở cả 2 bên dây thanh. Đây được coi là di chứng của tình trạng viêm thanh quản mãn tính kéo dài không được can thiệp điều trị đúng cách, bệnh thường gặp ở nữ giới hơn nam giới.
2. Nguyên nhân của hạt xơ dây thanh
Đa phần các trường hợp mắc hạt xơ dây thanh quản là do ảnh hưởng của việc sử dụng giọng nói liên tục, làm cho các niêm mạc không còn khả năng co hồi, các mô tăng sinh dẫn tới sự xuất hiện của các hạt xơ, u xơ ở dây thanh. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây hạt xơ dây thanh như:
- Viêm thanh quản, viêm họng, viêm xoang mạn tính mà chưa được điều trị dứt điểm
- Thường xuyên sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
- Trào ngược dạ dày thực quản, trào ngược họng- thanh quản kéo dài
Hạt xơ dây thanh quản
3. Hạt xơ dây thanh quản có nguy hiểm không?
Hạt xơ dây thanh quản là bệnh lành tính, tuy nhiên bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời như:
Khàn tiếng, hụt hơi
Tình trạng khàn giọng kéo dài kèm theo ho có đờm hay ho khan khi nói là những biểu hiện thường gặp ở người bị hạt xơ dây thanh, khiến người bệnh dễ hụt hơi khi nói hoặc nói không ra tiếng, cảm thấy mệt khi nói, gây khó khăn cho quá trình giao tiếp xã hội hàng ngày.
Viêm thanh quản
Các hạt xơ trú ngụ lâu ngày ở hai bên dây thanh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, làm tăng nguy cơ viêm thanh quản cấp tính. Tình trạng viêm thanh quản sẽ tiến triển nặng hơn khi các hạt xơ lớn dần, kéo theo các biến chứng như xuất huyết thanh quản, biến chứng trên đường thở…
Ung thư thanh quản
Hạt xơ dây thanh quản là một tổn thương thanh quản mạn tính và lành tính, tỉ lệ biến chứng thành ung thư thanh quản rất hiếm gặp.
Cổ họng sưng đau
Cổ họng sưng đau là tình trạng thường thấy ở người bị hạt xơ dây thanh và có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là khi người bệnh la hét, ca hát hay nuốt thức ăn…
4. Điều trị hạt xơ thanh quản như thế nào?
Hiện nay điều trị hạt xơ dây thanh phụ thuộc vào mức độ xơ của dây thanh, bao gồm phương pháp điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa sử dụng thuốc được áp dụng khi các hạt xơ có kích thước nhỏ và số lượng ít. Điều trị bằng thuốc kết hợp nhóm thuốc kháng sinh và kháng viêm giúp tiêu diệt những ổ viêm lan rộng, kìm hãm sự phát triển của các hạt xơ.
Tuy nhiên hạn chế của biện pháp này là không dứt điểm tận gốc các hạt xơ. Chính vì thế trong điều kiện thuận lợi, người bệnh có thể tái bị lại rất nhanh.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa là tiến hành phẫu thuật loại bỏ các hạt nhân xơ có kích thước lớn. Tương tự như điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa cũng có nhược điểm là không thể giải quyết các hạt xơ nhỏ, các hạt ẩn trong dây thanh. Chính vì thế cần kết hợp với điều trị bằng thuốc để có kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, khi điều trị hạt xơ dây thanh, để có thể lấy lại giọng nói trong trẻo ngoài việc loại bỏ hạt xơ, người bệnh còn cần sử dụng phương pháp trị liệu giọng nói để có âm thanh giống như ban đầu. Đặc biệt với những ca phẫu thuật sau khi lấy đi bệnh tích có để lại sẹo.
5. Phòng ngừa hạt xơ dây thanh
Để tránh tình trạng xơ dây thanh, mọi người cần chủ động trong chăm sóc sức khỏe bản thân ngay cả trong những thói quen hằng ngày.
– Không nên sử dụng giọng nói với tần suất và cường độ quá lớn trong một ngày. Nếu bắt buộc cần phải nói nhiều, hãy tìm đến các dụng cụ hỗ trợ phóng âm như loa, micro,… Đồng thời bạn có thể uống nước ấm, trà gừng,…. để giúp giọng nói phục hồi giọng nói nhanh hơn.
– Khi mắc các bệnh về tai mũi họng thông thường, hãy chủ động điều trị dứt điểm tình trạng bệnh. Không nên để tình trạng quá phát kéo dài bởi dễ chuyển sang dạng mạn tính, đồng thời sẽ gây nên những ảnh hưởng tới thanh quản.
– Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để diệt khuẩn.
Bài viết được thực hiện bởi phòng khám đa khoa Anh Dũng

Copyright 2024 © Bảo lưu mọi quyền hạn. Phòng Khám Đa Khoa Anh Dũng